Đất nông nghiệp và đất trồng cây lâu năm có thời hạn sử dụng?

21/08/2023 | 14:43

Thời hạn sử dụng đất nông nghiệp và đất trông cây lâu năm là vấn đề quan tâm của nhiều nhà đầu tư, vấn đề này có ảnh hưởng gì đến giá trị của đất hay không? Và khi hết thời hạn sử dụng đất thì như thế nào?

1. Phân biệt đất nông nghiệp và đất trồng cây lâu năm

Nhóm đất nông nghiệp được phân thành: Căn cứ Khoản 1 Điều 10 Luật đất đai 2013, đất nông nghiệp bao gồm:

  • Đất trồng cây hàng năm: bao gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác.
  • Đất trồng cây lâu năm: đất sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được trồng một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm
  • Đất rừng sản xuất: thống kê, kiểm kê đối với đất đang có rừng và đất đang được sử dụng để phát triển rừng cho mục đích chủ yếu để cung cấp lâm sản; sản xuất, kinh doanh lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
  • Đất rừng phòng hộ: thống kê, kiểm kê đối với đất đang có rừng và đất đang được sử dụng để phát triển rừng cho mục đích chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
  • Đất rừng đặc dụng: thống kê, kiểm kê đối với đất đang có rừng và đất đang được sử dụng để phát triển rừng cho mục đích chủ yếu để bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích lịch sử – văn hóa, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh kết hợp du lịch sinh thái,…
  • Đất nuôi trồng thủy sản: là đất được sử dụng chuyên vào mục đích nuôi, trồng thủy sản nước lợ, nước mặn và nước ngọt.
  • Đất làm muối: là ruộng muối để sử dụng vào mục đích sản xuất muối.
  • Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh.

Đất trồng cây lâu năm được phân thành đất trồng:

  • Cây công nghiệp lâu năm: là cây lâu năm cho sản phẩm dùng làm nguyên liệu để sản xuất công nghiệp hoặc phải qua chế biến mới sử dụng được như cây chè, cà phê, cao su, ca cao, điều, hồ tiêu,…
  • Cây ăn quả lâu năm: là cây lâu năm cho sản phẩm là quả để ăn tươi hoặc kết hợp chế biến như cây bưởi, cam, chôm chôm, mận, mơ, măng cụt, nhãn, sầu riêng, vải, xoài,…
  • Cây dược liệu lâu năm: là cây lâu năm cho sản phẩm làm dược liệu như hồi, quế, đỗ trọng, long não, sâm,…
  • Các loại cây lâu năm khác: là các loại cây lâu năm để lấy gỗ, làm bóng mát, tạo cảnh quan như cây xoan, bạch đàn, xà cừ, keo, hoa sữa, bụt mọc, lộc vừng,… Kể cả trường hợp trồng hỗn hợp nhiều loại cây lâu năm khác nhau hoặc có xen lẫn cây lâu năm và cây hàng năm.

Dat-trong-cay-lau-nam

2. Thời hạn sử dụng đất nông nghiệp và đất trông cây lâu năm:

Theo quy định tại Điều 126 Luật Đất đai 2013, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất là khác nhau, cụ thể:

– Thời hạn giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp là 50 năm đối với trường hợp:

Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp gồm:

  • Đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;
  • Đất trồng cây lâu năm;
  • Đất rừng sản xuất;
  • Giao nhiều loại đất bao gồm đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;
  • Đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng.

– Thời hạn cho thuê đất không quá 50 năm: Đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân thuê đất nông nghiệp.

– Thời hạn thuê đất không quá 05 năm: Đối với trường hợp thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.

Ngoài ra:

– Trường hợp thửa đất sử dụng cho nhiều mục đích thì thời hạn sử dụng đất được xác định theo thời hạn của loại đất sử dụng vào mục đích chính.

– Thời hạn sử dụng đất khi nhận chuyển quyền sử dụng đất đối với loại đất có quy định thời hạn là thời gian sử dụng đất còn lại của thời hạn sử dụng đất trước khi nhận chuyển quyền sử dụng đất.

3. Khi hết thời hạn sử dụng đất thì như thế nào?

Căn cứ theo Điều 126 Luật Đất đai 2013, trường hợp hết thời hạn được giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nếu có nhu cầu thì được tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn 50 năm mà không cần làm thủ tục điều chỉnh thời hạn sử dụng đất.

Ngoài ra, khoản 2 Điều 74 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định:

“Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đang sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao, công nhận, nhận chuyển quyền sử dụng đất, khi hết thời hạn sử dụng đất thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều 126 và Khoản 3 Điều 210 của Luật Đất đai mà không phải làm thủ tục điều chỉnh thời hạn sử dụng đất.”

Như vậy, trong trường hợp này, cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi hết thời hạn sử dụng đất được tiếp tục sử dụng mà không cần làm thủ tục gia hạn sử dụng đất.

Đối với trường hợp dưới đây, hộ gia đình, cá nhân cần gia hạn thời gian sử dụng đất gồm:

– Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp là đất thuê của Nhà nước (diện tích đất nông nghiệp ngoài hạn mức giao, công nhận quyền sử dụng đất);

– Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao, cho thuê đất sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ, làm cơ sở sản xuất phi nông nghiệp;

– Các trường hợp khác;

Cảm ơn các bạn đã đọc, mong rằng sẽ giải đáp được các vấn đề thắc mắc của bạn.

HOT: Bán tháo đất KDC Vạn Phúc giá rẻ bất ngờ tại Thủ Đức!!!

Danh mục: