Căn hộ đã qua sử dụng: Tìm khách mua “khó như… lên trời”
23/07/2019 | 8:37Một tình trạng phổ biến tại TP.HCM là chủ các căn hộ chung cư phải chấp nhận bán lỗ dù mới sử dụng được ít năm, đặc biệt là tại những chung cư vướng lùm xùm pháp lý hoặc đã xuống cấp trầm trọng.
Chung cư sẽ bị xuống cấp sau nhiều năm sử dụng. Nếu không được bảo trì, chung cư sẽ bị mất dần giá trị và rất khó bán ra. Các nhà đầu tư và khách hàng vì thế không mấy mặn mà với các chung cư hiện hữu mà chỉ quan tâm đến các dự án mới.
Việc nhiều dự án bị xuống cấp một phần là do chủ đầu tư bỏ bê việc quản lý. Hơn nữa, nhiều khách hàng cũng có tâm lý e ngại khi tình trạng tranh chấp chung cư xảy ra ngày càng phổ biến tại TP.HCM.
Hạ giá, kèm khuyến mại vẫn ế chỏng chơ
Trên thị trường, các dự án mới được chào bán khá sôi động với nguồn cung phân khúc hạng C (giá từ 1,2-1,5 tỷ đồng) thiếu hụt. Trong khi đó, thị trường căn hộ thứ cấp thuộc phân khúc căn hộ cũ lại không mấy khởi sắc. Tại TP.HCM, nhiều chủ căn hộ chung cư dù muốn bán nhà gấp nhưng không tìm được người mua.
Sống tại một chung cư trên đường Cao Đạt (quận 5), anh Nguyễn Văn Quốc rao bán căn hộ 65m2 giá 2,4 tỷ đồng. Dù nhiều tháng rao bán, thông qua môi giới, ký gửi ở các sàn và tự đăng tin lên mạng xã hội nhưng anh vẫn không tìm được người mua. Một số người đến xem nhà nhưng cũng mất hút vì chê phòng cũ, nội thất không đẹp. Anh Quốc cho hay, giá căn hộ trước đây anh mua là 1,8 tỷ, anh đã chi vài trăm triệu sau 5 năm để làm nội thất và hiện anh chỉ bán chênh 300-400 triệu nhưng vẫn không có ai mua.
Sau khi tìm hiểu, anh Quốc nhận ra nguyên nhân người mua không mặn mà với căn hộ của anh là do chung cư xây đã lâu nên đang dần cũ kỹ. Người mua cũng băn khoăn về chất lượng nhà ở, hệ thống phòng cháy chữa cháy…, đồng thời hạ tầng khu vực chưa hoàn thiện nên giá nhà tại khu vực này không thể tăng. Vì cần tiền nên anh Quốc buộc phải tính đến phương án bán lỗ.
Cũng rơi vào cảnh ế hàng tương tự là trường hợp của chị Hoàng Minh Hà. Chị Hà rao bán căn hộ 61m2 giá 1,4 tỷ đồng tại một khu chung cư trên đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp. Chị cho hay đã rao bán nhà 5 tháng nhưng rất ít khách gọi điện hỏi thăm. Chị đành phải khuyến mãi thêm đồ nội thất dù mức chênh tính từ thời điểm mua 5 năm trước chỉ khoảng 300 triệu nhưng vẫn không ai hỏi mua. Bạn bè của chị khi tìm mua nhà chỉ tìm những dự án mới chứ không tìm nhà đã qua sử dụng.
Cũng theo chị Hà, chủ đầu tư không chú trọng đến việc bảo trì nên nhiều khu công cộng đã xuống cấp nghiêm trọng khiến khách đến xem căn hộ “một đi không trở lại”.
“Nhà mình ở tầng 8, căn góc khá đẹp. Giá mua từ lúc xây dựng hồi 2014 là 1 tỷ 150 triệu, xây tới giữa 2016 mới nhận nhà. Mới vào ở được 3 năm, đầu tư không biết bao nhiêu tiền cho nội thất, trang trí phòng ốc, giờ bán có 1,4 tỷ tính ra không lãi bằng tiền gửi ngân hàng nhưng đến giờ vẫn không bán được”, chị Hà cho hay.
Nhiều môi giới tại các sàn cho biết, thay vì chọn những căn hộ đã đi vào hoạt động, người mua thường quan tâm đến các dự án mới mở bán hơn. Do đó, các sàn thường ít nhận sản phẩm mà chủ nhà gửi bán.
Vì sao căn hộ mất giá?
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nguyên nhân chính khiến căn hộ đã qua sử dụng bị mất giá là các chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng. Điều này phụ thuộc vào ban quản lý, chủ đầu tư và cả cư dân.
Hơn nữa, TP.HCM thời gian qua phổ biến tình trạng cư dân nhiều chung cư căng băng rôn, phản đối chủ đầu tư vi phạm các điều khoản hợp đồng, chậm cấp sổ đỏ cho cư dân. Điều này khiến người mua căn hộ càng thêm hoang mang.
Đây là 2 nguyên nhân chính khiến nhiều cư dân dù chấp nhận bán lỗ 200-300 triệu nhưng vẫn phải “đắp chiếu” nằm chờ.
Tổng Giám đốc Phú Đông Group, ông Ngô Quang Phúc cho biết, về cơ bản, các chung cư cũ có kiến trúc đã cũ nên không mấy bắt mắt, có nhiều vấn đề về độ an toàn và cũng ít chính sách khuyến mãi.
“Nhiều dự án chung cư cũ bắt đầu bộc lộ nhiều vấn đề như cháy nổ, quá tải về hạ tầng, chất lượng kém, nhanh xuống cấp nên phân khúc này đã giảm lợi thế. Các căn hộ cũ chỉ bán được nếu giá rẻ hơn hẳn so với mặt bằng chung hay ở khu vực trung tâm, đầy đủ tiện ích, còn các dự án ven đô thường sẽ chịu chung số phận”, ông Phúc cho hay.
Còn đối với các nhà đầu tư, họ thường chọn dự án mới do thanh khoản tốt, có thể mang lại nhiều cơ hội sinh lời. Trong khi đó, các dự án hiện hữu đã qua nhiều lần sang tay nên giá đã lên đến đỉnh, không còn cơ hội đầu tư.
Một nguyên nhân khác là các căn hộ đã qua sử dụng không thể mua theo diện trả góp. Đối với các dự án mới, người mua có thẻ vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi và được đóng theo tiến độ. Phần lớn người mua nhà đều muốn vay ngân hàng để giảm áp lực tài chính. Nếu mua căn hộ cũ, người mua phải trả tiền 1 lần, như vậy sẽ rất khó khăn với những gia đình trẻ.
Ông Phúc cho biết, giải pháp cân đối nguồn cầu là bài toán khó tìm lời giải. Chủ căn hộ cũ muốn nhanh bán được hàng phải chấp nhận chịu thiệt như khuyến mại thêm đồ nội thất, bao phí sang tên, thậm chí chấp nhận trả phí 1-1,5% cho người giới thiệu.
(Theo Trí thức trẻ)
Danh mục: Tin tức bất động sản